1. P (Plan - Hoạch định chất lượng )
Đây là chức năng quan trọng
nhất và cũng là giai đoạn đầu tiên của quản trị chất lượng. Hoạch định chất lượng
chính xác, đầy đủ sẽ giúp định hướng tốt các hoạt động tiếp theo bởi tất cả
chúng đều phụ thuộc vào kế hoạch. Nếu kế hoạch ban đầu được xác định tốt thì sẽ
cần ít các hoạt động phải điều chỉnh và các hoạt động sẽ được điều khiển một
cách có hiệu quả hơn. Đó là lý do tại sao hoạch định chất lượng được coi là chức
năng quan trọng nhất cần ưu tiên hàng đầu hiện nay. Tuy nhiên, điều này không
có nghĩa là xem nhẹ các hoạt động khác.
Hoạch định chất lượng là hoạt
động xác định mục tiêu các phương tiện nguồn lực và biện pháp nhằm thực hiện mục
tiêu chất lượng sản phẩm. Hoạch định chất lượng cho phép xác định mục tiêu,
phương hướng phát triển chất lượng chung cho toàn công ty theo một hướng thống
nhất. Tạo điều kiện khai thác và sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực và tiềm
năng trong dài hạn, góp phần giảm chi phí cho chất lượng, nâng cao khả năng cạnh
tranh, giúp các doanh nghiệp chủ động thâm nhập và mở rộng thị trường đặc biệt
là thị trường thế giới. Hoạch định chất lượng còn tạo ra sự chuyển biến căn bản
về phương pháp quản trị chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp.
Nội dung chủ yếu của hoạch định
chất lượng bao gồm:
+ Xây dựng chương trình, chiến lược, chính sách
chất lượng và kế hoạch hoá chất lượng.
+ Xác định vai trò của chất lượng trong chiến
lược sản xuất. Cách tiếp cận được sử dụng trong quá trình sản xuất và tác nghiệp,
cần bổ sung các chiến lược tổng quát của doanh nghiệp.
+ Xác định những yêu cầu chất lượng phải đạt tới
ở từng giai đoạn nhất định, tức là phải xác định được sự thống nhất giữa thoả
mãn nhu cầu thị trường với những điều kiện môi trường kinh doanh cụ thể nhất định
với chi phí tối ưu.
+ Đề ra phương hướng, kế hoạch cụ thể để thực
hiện được những mục tiêu chất lượng đề ra.
+ Cuối cùng là xác định kết quả dài hạn của những
biện pháp thực hiện.
Khi hoàn thành các kế hoạch
chất lượng cần phải cân đối tính toán các nguồn lực như : lao động, nguyên vật
liệu và nguồn tài chính cần thiết để thực hiện những mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Dự tính trước và đưa chúng vào thành một bộ phận không thể tách rời trong kế hoạch
sản xuất kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Ngoài các nguồn lực vật chất cần thiết
cũng cần vạch ra những lịch trình về thời gian và phát hiện, xác định những
phương pháp, biện pháp có tính khả thi trong những điều kiện giới hạn hiện có về
các nguồn lực để đảm bảo tính hiện thực và hợp lý của các kế hoạch.
2. D ( Do - Tổ chức thực hiện )
Tổ chức thực hiện có ý nghĩa
quyết định đến việc biến các ý tưởng ở khâu hoạch định thành hiện thực. Thực chất
đây là quá trình triển khai thực hiện các chính sách, chiến lược và kế hoạch chất
lượng thông qua các hoạt động, những kỹ thuật, những phương tiện, phương pháp cụ
thể nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm theo đúng những yêu cầu kế hoạch đặt ra. Để
làm tốt chức năng này, những bước sau đây cần được tiến hành theo trật tự nhằm
đảm bảo các kế hoạch sẽ được điều khiển một cách hợp lý:
+ Tạo sự nhận thức một cách đầy đủ về mục tiêu
chất lượng và sự cần thiết, lợi ích của việc thực hiện các mục tiêu đó đối với
những người có trách nhiệm.
+ Giải thích cho mọi người biết rõ, chính xác
những nhiệm vụ kế hoạch chất lượng cụ thể, cần thiết phải thực hiện cho từng
giai đoạn.
+ Tổ chức những chương trình đào tạo và giáo dục,
cung cấp những kiến thức kinh nghiệm cần thiết đối với việc thực hiện kế hoạch.
+ Xây dựng, ban hành hệ thống tiêu chuẩn qui
trình bắt buộc.
+ Cung cấp đầy đủ các nguồn lực ở
những nơi, những lúc cần thiết, có những phương tiện kỹ thuật để kiểm soát chất
lượng.
3. C (Check - Kiểm tra, kiểm soát )
Để đảm bảo các mục tiêu chất
lượng dự kiến được thực hiện theo đúng yêu cầu kế hoạch đặt ra trong quá trình
tổ chức thực hiện, cần tiến hành các hoạt động kiểm tra kiểm soát chất lượng.
Đó là hoạt động theo dõi, thu thập, phát hiện và đánh giá những khuyết tật của
sản phẩm. Mục đích của kiểm tra là tìm kiếm, phát hiện những nguyên nhân gây ra
khuyết tật của sản phẩm và sự biến thiên của quá trình để có những biện pháp
ngăn chặn kịp thời.
Những nhiệm vụ chủ yếu của kiểm
tra, kiểm soát chất lượng là:
+ Theo dõi tình hình thực hiện, tổ chức thu thập
thông tin và các dữ kiện cần thiết về chất lượng thực hiện.
+ Đánh giá tình hình thực hiện chất lượng và
xác định mức độ chất lượng đạt được trong thực tế của doanh nghiệp.
+ So sánh chất lượng thực tế với kế hoạch để
phát hiện các sai lệch và đánh giá các sai lệch đó trên các phương tiện kinh tế
- kỹ thuật và xã hội.
+ Phân tích các thông tin nhằm tìm kiếm và phát
hiện các nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện đi chệch so với kế hoạch đặt ra.
Khi thực hiện kiểm tra các kết
quả thực hiện kế hoạch cần đánh giá hai vấn đề cơ bản:
· Mức độ tuân thủ nghiêm túc kế
hoạch đã vạch ra.
+ Quá trình có đảm bảo đúng
thủ tục, yêu cầu và kỷ luật không.
+ Các giai đoạn có được tôn
trọng hay bỏ sót.
+ Các tiêu chuẩn có được duy
trì và cải tiến không.
·
Tính
chính xác, đầy đủ và khả thi của bản thân kế hoạch.
Nếu mục tiêu không đạt được có nghĩa là một
trong hai hoặc cả hai điều kiện trên không được thoả mãn. Cần thiết phải xác định
rõ nguyên nhân để đưa ra những hoạt động điều chỉnh khác nhau cho thích hợp.
Có nhiều phương pháp để kiểm tra chất lượng sản
phẩm như: phương pháp thử nghiệm, phương pháp trực quan, phương pháp thống kê,
phương pháp chọn mẫu, phương pháp thống kê, phương pháp dùng thử...
4. A ( Action- Điều chỉnh và cải tiến )
Hoạt động điều chỉnh nhằm làm
cho các hoạt động của hệ thống quản trị doanh nghiệp được phối hợp đồng bộ, khắc
phục các tồn tại và có khả năng thực hiện được những tiêu chuẩn chất lượng đề
ra đồng thời cũng là hoạt động đưa chất lượng sản phẩm thích ứng với tình hình
mới nhằm giảm dần khoảng cách giữa những mong muốn của khách hàng và thực tế chất
lượng đạt được, thoả mãn nhu cầu của khách hàng ở mức cao hơn.
Các bước công việc chủ yếu của
chức năng điều chỉnh và cải tiến là:
+ Xác định những đòi hỏi cụ thể về cải tiến chất
lượng từ đó xây dựng các dự án cải tiến chất lượng.
+ Cung cấp các nguồn lực cần thiết như tài
chính, kỹ thuật, lao động.
+ Động viên, đào tạo và khuyến khích các quá
trình thực hiện dự án cải tạo chất lượng.
Khi các chỉ tiêu không đạt được, cần phải phân tích tình hình nhằm
xác định xem vấn đề thuộc về kế hoạch hay việc thực hiện kế hoạch để tìm ra
nguyên nhân sai sót từ đó tiến hành các hoạt động điều chỉnh. Sửa lại những phế
phẩm và phát hiện những sai sót trong thực hiện bằng việc làm thêm giờ đều là
những hoạt động nhằm khắc phục hậu quả chứ không phải xoá bỏ nguyên nhân. Để
phòng tránh các phế phẩm, ngay từ đầu phải tìm và loại bỏ những nguyên nhân từ
khi chúng còn ở dạng tiềm tàng.
Khi cần thiết có thể điều chỉnh mục tiêu chất lượng. Thực chất, đó
là quá trình cải tiến chất lượng cho phù hợp với điều kiện và môi trường kinh
doanh mới của doanh nghiệp. Quá trình cải tiến thực hiện theo các hướng chủ yếu
sau:
+ Thay đổi
quá trình nhằm giảm khuyết tật.
+ Thực hiện công nghệ mới.
+ Phát
triển sản phẩm mới, đa dạng hoá sản phẩm.
Yêu cầu đặt ra với cải tiến chất lượng là tiến hành cải tiến đặc điểm sản
phẩm, đặc điểm quá trình nhằm giảm những sai sót, trục trặc trong thực hiện và
giảm tỷ lệ khuyết tật của sản phẩm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét